Chính phủ vừa là người cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công, vừa là người có đặc quyền được hưởng những sản phẩm và dịch vụ này, liệu điều này có phù hợp với mô hình cầm quyền theo “chủ nghĩa tam dân mới” không?
Chính phủ Trung Quốc là người phát động công cuộc cải cách và mở cửa, và những thành quả của cải cách do chính phủ phân phối, vấn đề rắc rối hiện nay là tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong việc phân chia sản phẩm và dịch vụ trong xã hội, trong đó chính phủ và giai cấp có đặc quyền đặc lợi hiện là những người được ưu tiên hưởng các sản phẩm đó. Tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng trong các vấn đề bảo hiểm y tế, nhà ở, tiền lương… hiện được coi là thách thức lớn nhất cho việc giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong xã hội cũng như cho mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa.
Trị nước theo pháp luật và thực hiện chính trị dân chủ liệu có dẫn đến sự thống nhất hữu cơ và hài hòa trong chính quyền không?
Dân chủ và pháp chế là hai mặt của một thể thống nhất, không thể tách rời trong quá trình xây dựng chính trị quốc gia. Xã hội hiện đại đòi hỏi phải xây dựng tự do và dân chủ trên cơ sở pháp trị, đồng thời đòi hỏi phải xây đựng xã hội pháp trị trong điều kiện dân chủ tự do đầy đủ. Việc xây dựng nên pháp trị diễn ra song song với việc xa rời pháp trị dân chủ và tự do ngôn luận sẽ chỉ dẫn đến nền pháp trị đơn hướng từ phía chính phủ xuống dưới người dân. Việc xây dựng môi trường chính trị hài hòa và xã hội ổn định phải dựa trên cơ sở bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội cũng như giữa các tập đoàn lợi ích. Do vậy xã hội hài hòa cần đến xã hội dân chủ lẫn nền pháp trị, chứ không thiên về phía nào.
Xã hội công bằng là nhu cầu của thời đại, liệu có thể xây dựng được cơ chế công bằng có hiệu quả thực sự để thực hiện công bằng xã hội?
Công bằng xã hội là mục tiêu cơ bản mà tất cả các xã hội hiện đại theo đuổi, nhưng việc thực hiện công bằng xã hội không phải chỉ do chính phủ mà còn là thông qua sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tầng lớp trong xã hội, giữa các tập đoàn lợi ích. Công bằng xã hội phải được xây đựng trên nền tảng cơ chế cân bằng lợi ích, cạnh tranh bình đẳng và đó mới là sự công bằng thực sự, lâu bền và được đảm bảo. Do vậy, công bằng xã hội trước hết đòi hỏi phải có một môi trường (cạnh tranh) pháp trị thực sự để duy trì sự công bằng trong xã hội. Đây là một thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt và không thể lẩn tránh.