Tuy nhiên, đằng sau tâm lý chống Nhật thể hiện lòng yêu nước lại chứa đựng nhiều biểu hiện bất thường mà cho đến nay người ta hay gọi là “Hiện tượng Trung Quốc”. Hiện tượng này được đặc trưng bởi hành vi phi lý tính như hành hung, đập phá, thậm chí xảy ra đổ máu giữa người biểu tình với nhân viên bảo vệ người Trung Quốc làm việc cho các công ty và văn phòng của Nhật Bản. Rõ ràng những hành động này cho thấy làn sóng bài Nhật là cơ hội tốt nhất để những người biểu tình trút tâm trạng bất bình, oan ức, giận dữ bị ức chế trong thời gian dài không được giải tỏa. Tâm trạng bất bình bị dồn nén này giống như bình đây khí nén đã tới lúc phải được xả bớt để tránh nổ tung. Sau những hành động bạo động nói trên, những người tham gia biểu tình mà phần lớn là thanh niên cảm thấy hả hê như vừa mới giành được thắng lợi quan trọng nào đó.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đã phải cử các “đội chữa cháy” từ trung ương tới các thành phố để thuyết phục dân chúng không biểu tình, đồng thời thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông đại chúng của nhà nước kêu gọi dân chúng “bình tĩnh” và hành động một cách “có lý trí”!
Như vậy, mục tiêu ban đầu của làn sóng biểu tình Nhật đã thay đổi, và lồng vào đó là những nhân tố nguy hiểm có nguy cơ làm cho xã hội Trung Quốc mất ổn định.
Liên quan đến các cuộc biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc diễn ra vào trung tuần tháng 4/2005, người ta nhận thấy ở Trung Quốc hiện nay xuất hiện những dấu hiệu cho thấy dân chúng bị ức chế lâu nay và chưa có dịp được giải tỏa, giống như những “bình khí nén” đang tiếp tục được nén thêm khí, có nguy cơ nổ tung bất cứ lúc nào. Điều này được thể hiện qua những biểu hiện sau:
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc
Dân tộc Trung Quốc là dân tộc có lòng tự trọng và tự tôn rất cao. Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, đặc biệt là tâm lý bài Nhật trong dân chúng, đã bị dồn nén trong một thời gian dài do bị chính phủ Trung Quốc kiềm chế và trấn áp sau khi hai nước lập quan hệ ngoại giao.
Trong những năm qua, đặc biệt kể từ sự kiện “đảo Điêu Ngư” năm 1999, lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của dân chúng được dịp bùng phát, tuy nhiên chính phủ Trung Quốc lấv lý do “ổn định áp đảo hết thảy, ổn định là trên hết” và “cần bảo vệ quan hệ Trung-Nhật ổn định” đã sử dụng các biện pháp hành chính để dẹp bỏ các cuộc biểu tình của dân chúng. Ngoài ra, một đòi hỏi khác của dân chúng là yêu cầu Nhật Bản bồi thường chiến tranh cũng bị chính phủ dẹp bỏ với lý do là khi hai nước ký Tuyên bố chung khôi phục quan hệ Trung-Nhật, phía Trung Quốc đã không đưa ra yêu cầu bồi thường chiến tranh. Sự ức chế và đồn nén này đã tích tụ lại trong nhiều năm và chỉ cần có cơ hội là bùng phát. Làn sóng chống Nhật vừa qua đã tạo ra cơ hội cho dân chúng trút bỏ sự tức giận của họ lên Nhật Bản và lên cả chính phủ Trung Quốc.